
Quang cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Tám, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Hồng Quốc Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Huỳnh Thạch, HUV, Phó Chủ tịch HĐND huyện, lãnh đạo UBMTTQVN huyện, đại diện lãnh đạo phòng, ban; Chủ tịch UBND, công chức Văn phòng - thống kê, công chức Tư pháp - hộ tịch 22 xã, thị trấn.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị đồng chí Hồng Quốc Cường đánh giá cao kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2016, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.

Đồng chí Hồng Quốc Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện
Phát biểu khai mạc
Hội nghị cũng nghe đồng chí Lê Quang Hạt, UVBTV Huyện ủy, Trưởng phòng Nội vụ huyện thông qua Báo cáo Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2016 và sơ kết 01 năm thực hiện “Kế hoạch triển khai Chương trình số 07 của Huyện ủy Thăng Bình thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021”. Báo cáo đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Huyện ủy, HĐND, UBND; các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện cơ bản đồng bộ, hiệu quả. Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xét thi đua - khen thưởng hằng năm đã tạo động lực để các cơ quan, đơn vị quan tâm, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Đồng chí Lê Quang Hạt, UVBTV Huyện ủy, Trưởng phòng Nội vụ huyện thông qua Báo cáo Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2016
Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức được coi trọng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, thể hiện được ý thức, trách nhiệm đối với công việc và thái độ phục vụ đối với nhân dân. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ phục vụ công việc được các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng đã nâng cao chất lượng công việc, sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế “một cửa” tuy đã được triển khai ở tất cả các địa phương nhưng việc thực hiện ở một số nơi còn chưa tốt, cơ sở vật chất của bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả ở một số địa phương chưa đảm bảo; việc tiếp nhận hồ sơ, lập giấy biên nhận, mở sổ sách theo dõi chưa tuân thủ chặt chẽ theo quy định. Phần mềm một cửa điện tử đã triển khai hoạt động chính thức tại 22 xã, thị trấn nhưng do không được tích hợp với các phần mềm chuyên ngành như phần mềm Hộ tịch do Sở Tư pháp triển khai, do đó công chức bộ phận một cửa cùng lúc phải nhập dữ liệu trên 02 hệ thống khác nhau, vừa bất tiện, vừa mất thời gian lại ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, số lượng các văn bản đã được kiểm tra, xử lý chưa cao. Công tác tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính còn chưa thường xuyên nên việc nhận thức của cán bộ, công chức ở một số đơn vị về kiểm soát thủ tục hành chính còn hạn chế. Đội ngũ công chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kiểm soát thủ tục hành chính nên còn lúng túng, bị động trong thực hiện.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc Q-Office đã triển khai đến các cơ quan, đơn vị nhưng đến nay chưa được các cơ quan, đơn vị sử dụng thường xuyên nên vẫn chưa phát huy hết tính năng của phần mềm.

Đại diện xã Bình Triều phát biểu tham luận
Hội nghị đã được nghe báo cáo đánh giá kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2016. Việc xác định chỉ số cải cách hành chính cấp xã năm 2016 có nhiều điểm mới so với trước đây như đã đưa kết quả điều tra xã hội học vào kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2016 UBND huyện đã tiến hành điều tra xã hội học mỗi đơn vị 20 phiếu, đã thu thập 100% phiếu điều tra để tổng hợp, xử lý số liệu điều tra. Kết quả tổng hợp, phân tích phiếu điều tra xã hội học đã xác định được điểm số của 08 tiêu chí thành phần trên 02 tiêu chí “Chất lượng phục vụ tại Bộ phận TN&TKQ” và “Chất lượng công chức” của Chỉ số cải cách hành chính UBND 22 xã, thị trấn. Giá trị trung bình của Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các xã, thị trấn đạt được là 76,01%, tăng 1,11% so với giá trị trung bình của Chỉ số cải cách hành chính năm 2015. Bình Đào là đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 cao nhất với Chỉ số đạt được là 83,52%, cao hơn so với mức trung bình 7,44%, đồng thời cao gấp 1,30 lần so với Chỉ số cải cách hành chính 64,06% của xã Bình An, đơn vị xếp cuối cùng trong số 22 xã, thị trấn.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các xã, thị trấn chia thành 03 nhóm điểm:
- Nhóm thứ nhất, đạt Chỉ số cải cách hành chính từ 80% trở lên, gồm 05 xã, thị trấn: Bình Đào, Bình Triều, Hà Lam, Bình Phú, Bình Sa;
- Nhóm thứ hai, đạt Chỉ số cải cách hành chính từ 70% đến dưới 80%, gồm 15 xã: Bình Tú, Bình Trung, Bình Qúy, Bình Chánh, Bình Dương, Bình Trị, Bình Trung, Bình Minh, Bình Nguyên, Bình Giang, Bình Quế, Bình Định Nam, Bình Định Bắc, Bình Nam, Bình Hải, Bình Lãnh;
- Nhóm thứ ba, đạt Chỉ số cải cách hành chính từ 60% đến dưới 70%, gồm 02 xã: Bình Phục, Bình An.
Lãnh đạo huyện tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích tốt trong công tác cải cách hành chính năm 2016.
Cũng tại Hội nghị lãnh đạo huyện đã biểu dương, khen thưởng 08 tập thể và 08 cá nhân có thành tích tốt trong công tác cải cách hành chính năm 2016./.