Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Người đăng: Admin Nội vụ Ngày đăng: 16:05 | 13/12/2016 Lượt xem: 1529

Trước những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều ngày 02/11/2016, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời, giải trình và làm rõ những nội dung liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, cụ thể như sau:

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

1. Về chế độ công chức cấp xã, theo quy định hiện nay, nhiều địa phương bố trí các chức danh Tư pháp – Hộ tịch, Văn phòng – Thống kê hay Văn hóa – Xã hội tới hai hoặc ba công chức đảm nhiệm. Tuy nhiên, riêng đối với Phó Trưởng Công an xã và Văn phòng Đảng ủy thì hiện nay tuy khối lượng công việc nhiều nhưng chưa phải là công chức. Đề nghị Chính phủ có nghiên cứu, sửa đổi để cân đối giảm các vị trí nhiều công chức đảm nhận và bổ sung chức danh công chức cho Phó Trưởng Công an xã và Văn phòng Đảng ủy, không vượt biên chế so với quy định của Chính phủ.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ đang chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức năm 2008; trong đó, sẽ nghiên cứu đề xuất một số vấn đề chưa phù hợp trong tình hình hiện nay. Riêng về hai chức danh Phó Trưởng Công an xã và Văn phòng cấp ủy hiện nay hoạt động dưới hình thức không chuyên trách. Tại Khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định Công chức cấp xã gồm 7 chức danh: Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã); Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội (Luật không quy định cụ thể chức danh người hoạt động không chuyên trách).

Để giải quyết vấn đề này,  Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ  phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án "Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn".  Trong thời gian tới, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cho phù hợp với thực tiễn.

2. Về việc xây dựng và quy định chế độ bổ nhiệm Hàm, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 87/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu và đề xuất các phương án liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh Hàm đối với cán bộ, công chức: Bộ Nội vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu các quy định bổ nhiệm cấp Hàm trong hệ thống các chức danh, chức vụ ở các cơ quan trong hệ thống chính trị. Sau khi nghiên cứu, trao đổi thảo luận, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 4607/TTr-BNV ngày 8 tháng 10 năm 2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, đề xuất về chức danh Hàm đối với cán bộ, công chức. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8922/VPCP-TCCV ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng xác định rõ hình thức văn bản theo quy định của pháp luật để ban hành chế độ bổ nhiệm Hàm theo thể thức Nghị định của Chính phủ hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 không có quy định chức danh Hàm). Làm rõ về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm và chế độ chính sách đối với chức danh Hàm.

Ngày 19/7/2016, Bộ Nội vụ có báo cáo số 3431/BC-BNV gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc bổ nhiệm chức danh Hàm. Đến ngày 11/8/2016, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6684/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng dự thảo Nghị định về vấn đề này để trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, theo ý kiến đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ và sẽ tiếp tục nghiên cứu để sau khi hoàn chỉnh việc bổ sung hai Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4/7/2007 ban hành “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ” và Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 ban hành “Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử” của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng và hoàn thiện chức danh Hàm.

Mặt khác, hiện nay chức danh Thư ký của Bộ trưởng, Thứ trưởng và Bí thư các Tỉnh ủy cũng không được quy định trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Bộ Nội vụ sẽ kết hợp nghiên cứu, bổ sung chung với chức danh Hàm hiện nay.

3. Về chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thì người học theo chế độ cử tuyển được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quy định cụm từ “phân công công tác” được thay bằng cụm từ “xét tuyển vào vị trí việc làm”. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển phải tham gia xét tuyển vào công chức, viên chức theo quy định chung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mà không được phân công công tác như trước đây.

Để thu hút được sinh viên là người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước, tại Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT ngày 11 tháng 09 năm 2014 của Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số quy định tại Điều 11 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc; theo đó, quy định số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo một tỷ lệ hợp lý và tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương. Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số (Khoản 1 Điều 4). Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được các cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào làm công chức, viên chức (Khoản 1 Điều 6).

Về vấn đề ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là nữ, trẻ, có rất ít người tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp (Khoản 2, Điều 7).

Về ưu tiên tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số vào các chức danh lãnh đạo, quản lý: trường hợp cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số công tác từ cấp huyện trở xuống đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vào vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc vị trí tương đương được bổ nhiệm lần đầu nếu còn thiếu tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn được xem xét bổ nhiệm để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ, nhưng trong thời gian không quá 1/2 thời hạn bổ nhiệm, cơ quan có thẩm quyền quản lý phải có trách nhiệm cử đi đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn (Khoản 2, Điều 8).

Thực hiện chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2020, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Đề án đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp để thu hút sinh viên người dân tộc thiểu số bao gồm cả đối tượng hệ cử tuyển như: Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; chế độ chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tại các cơ quan trực tiếp làm công tác dân tộc: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc.

Hiện nay, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới./.

Tác giả: Anh Cao - Hà Nguyên

Nguồn tin: Bộ Nội vụ

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chỉ đạo điều hành

Thông tin người phát ngôn

Họ tên:

Chức vụ:

Số điện thoại:

Email: 

Chuyên mục khác

Liên kết website