Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức tại Hà Nội tổ chức.
Đây là lần thứ 8 chương trình được tổ chức với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số.”
Vietnam ICT Summit 2018 thu hút sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở trong nước và khu vực.
Tự đổi mới để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0
Phát biểu trước các diễn giả, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nội dung của Diễn đàn; cho rằng các chuyên đề thảo luận liên quan mật thiết đến nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử - một trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2018-2020, hướng tới 2025.
Thủ tướng mong muốn Diễn đàn góp phần tạo nhận thức chung sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số như những đặc trưng về tính chia sẻ, về giá trị gia tăng hay nền tảng ứng dụng công nghệ số, những đặc tính của sản phẩm như cấu trúc, giá trị, quy mô và tính cá biệt, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối và thị trường..., từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
Thủ tướng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã bắt tay xây dựng Chính phủ điện tử ngay từ đầu những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách nền hành chính và đã có những kết quả nhất định. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có những ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn đánh giá, việc triển khai còn rất chậm và không đồng đều, các kết quả đạt được chưa đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Còn nhiều tồn tại và bất cập trong triển khai Chính phủ điện tử như: cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin còn bất cập, tốc độ xây dựng các cơ sở dữ liệu chưa được kết nối thông suốt; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn thủ công, giải quyết trên giấy tờ. Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 còn thấp.
“Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”
Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là các Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công-tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng nêu rõ với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”; “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn,” Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025. Nghị quyết cần xác định rõ mục tiêu, hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; kết nối chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử cá nhân, tổ chức, hệ thống báo cáo điện tử, văn thư lưu trữ điện tử...
“Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tầu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; rà soát, chuẩn bị, quy trình nghiệp vụ; tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung duy nhất ở các bộ, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ giấy tờ và hệ thống điện tử về tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; liên thông giữa hai hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cũng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn, cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người; phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử-Chính phủ số, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển Chính phủ điện tử, tổ chức đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh việc chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu.
Vietnam ICT Summit 2018 tập trung thảo luận theo 3 chuyên đề chính, bao gồm: chính phủ số, kinh tế số và hạ tầng số.
Ở nội dung chính phủ số, diễn đàn tập trung thảo luận việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, minh bạch, hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyền cấp độ cao cho người dân và doanh nghiệp.
Trong nội dung kinh tế số, diễn đàn thảo luận việc xây dựng môi trường kinh doanh số; lựa chọn các ưu tiên phát triển kinh tế số của Việt Nam (nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng…); thúc đẩy các nền tảng, mô thức kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với nội dung hạ tầng số, diễn đàn tập trung thảo luận việc xây dựng các cấu phần của hạ tầng số phù hợp với chính phủ số và phát triển kinh tế số của Việt Nam như hạ tầng thiết bị, hạ tầng kết nối, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng nhân lực…/.