Chi tiết tin

A+ | A | A-

Huyện Thăng Bình tổ chức Hội nghị quán triệt, hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố

Người đăng: Admin Nội vụ Ngày đăng: 22:32 | 14/08/2018 Lượt xem: 1590

Chiều ngày 14.8.2018, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị quán triệt, hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Thăng Bình.

Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Công Vỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; Đồng chí Hồng Quốc Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện - chủ trì; Đồng chí Trần Văn Thức, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện; đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách lĩnh vực xây dựng chính quyền phòng Nội vụ huyện; Chủ tịch UBND và Công chức Văn phòng - thống kê 22 xã, thị trấn.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Hồng Quốc Cường nhấn mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của thôn, TDP; góp phần thực hiện tinh giản đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP, từ đó góp phần giảm chi ngân sách; về lâu dài tiếp tục tổ chức, sắp xếp để đến năm 2021 có 100% số thôn, TDP đạt tiêu chuẩn theo quy định và đề nghị các địa phương tập trung triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Huyện Thăng Bình hiện có 132 thôn, tổ dân phố (TDP) (trong đó có: 117 thôn, 15 TDP), số thôn thuộc vùng miền núi: 12 thôn. Trong những năm qua, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, giúp UBND cấp xã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trên địa bàn huyện không có biến động tăng về số lượng thôn, tổ dân phố.

Đối chiếu với tiêu chuẩn theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV (Thôn vùng đồng bằng 400 hộ trở lên, vùng miền núi 200 hộ trở lên; tổ dân phố vùng đồng bằng 500 hộ trở lên, vùng miền núi, hải đảo 300 hộ trở lên) toàn huyện có 55 thôn đạt tiêu chuẩn quy mô số hộ gia đình; 77 thôn, TDP chưa đạt quy mô số hộ gia đình (trong đó 62 thôn, 15 TDP); số thôn, TDP chưa đạt 50% số hộ gia đình so với tiêu chuẩn là 12 (trong đó có 11 thôn, 01 TDP).

Trong những năm gần đây, tổ chức và hoạt động của thôn, TDP từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của thôn, TDP đã và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập; nhiều thôn, TDP có quy mô quá nhỏ, số hộ dân quá ít nhưng vẫn được bố trí số cán bộ hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị- xã hội như những thôn, TDP có quy mô lớn (mỗi thôn có 5 chức danh hoạt động không chuyên trách và 5 trưởng các tổ chức chính trị - xã hội hưởng chế độ phụ cấp) nên số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP rất lớn (tổng số có 626 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP và khoảng 590 người là Trưởng các đoàn thể ở thôn, TDP). Với số lượng người hoạt động không chuyên trách lớn và tổ chức đoàn thể CT-XH nhiều dẫn đến tăng ngân sách chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách và ngân sách khoán quỹ phụ cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, TDP; hơn nữa, các thôn, TDP có quy mô nhỏ nhưng chiếm số lượng nhiều dẫn đến lãng phí và không phù họp trong quản lý, tổ chức và hoạt động khi cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật ngày càng phát triển.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế; sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm được nguồn ngân sách chi hằng năm; việc xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại thôn, TDP trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết.

Việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, TDP phải đảm bảo các nguyên tắc: Tiến hành sắp xếp lại theo hướng hợp nhất, sáp nhập đối với những thôn, TDP không đạt tiêu chuẩn theo quy định, với thôn, TDP liền kề hoặc các thôn, TDP liền kề xung quanh trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã, địa hình không chia cắt phức tạp, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; Sáp nhập các thôn, TDP có nguồn gốc lịch sử trước đây; Sáp nhập các thôn, TDP có nguồn gốc được chia tách ra trước đây; Đối với thôn, TDP có quy mô số hộ gia đình chưa đạt so với quy định nhưng nằm cách xa các thôn, TDP khác (vùng đồng bằng trên 3km, miền núi trên 5km) thì cần phải nghiên cứu cho phù hợp, nhưng nếu có quy mô số hộ gia đình quá thấp (dưới 50 hộ đối với miền núi, dưới 100 đối với đồng bằng) thì phải tiến hành sáp nhập với thôn, TDP gần nhất; Đối với các thôn, TDP đạt tiêu chuẩn về quy mô số hộ gia đình, nhưng nếu địa phương xét thấy việc điều chỉnh, sáp nhập thật sự cần thiết và mang lại nhiều thuận lợi cho địa phương thì lập phương án sáp nhập.

Việc tổ chức, sắp xếp lại thôn, TDP là vấn đề phức tạp, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, liên quan đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán... nhất là một số thôn, TDP mặc dù là quy mô nhỏ nhưng đó là một làng đã có từ lâu đời, nay phải sáp nhập thì sẽ ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, nên việc tuyên truyền, vận động, tạo ra sự đồng tình ủng hộ của người dân sẽ rất khó khăn. Khi sắp xếp, tổ chức lại thôn, TDP thì số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, TDP phải sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách rất lớn, đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm khi tiến hành sáp nhập./.

Tác giả: Ngọc Vũ

Nguồn tin: Phòng Nội vụ

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chỉ đạo điều hành

Thông tin người phát ngôn

Họ tên:

Chức vụ:

Số điện thoại:

Email: 

Chuyên mục khác

Liên kết website