Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, Chỉ số SIPAS 2017 là lần đầu tiên được Bộ Nội vụ tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở cả 3 cấp hành chính tại địa phương, với tổng số mẫu khảo sát là 33.900 phiếu. Số phiếu thu về hợp lệ là 30.741 phiếu, đạt 90,68% số phiếu phát ra. Việc triển khai điều tra xã hội học do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện trong khoảng từ tháng 11 - 12/2017.
|
Ông Phạm Minh Hùng công bố báo Báo cáo SIPAS 2017 tại Hội nghị |
Chỉ số SIPAS 2017 được thực hiện với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước; Thủ tục hành chính; Công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; Việc tiếp nhận, giải quyết, góp ý phản ánh, kiến nghị.
Theo kết quả khảo sát, Chỉ số SIPAS 2017 của tỉnh cao nhất là 95,75% (tỉnh Vĩnh Phúc), tỉnh thấp nhất là 67,70% (tỉnh Kon Tum) và giá trị trung vị là 79,76%. Nửa số tỉnh trong cả nước có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nằm trong khoảng 79,76 - 95,75% và nửa số tỉnh có chỉ số nằm trong khoảng 67,70 - 79,76%. Hơn một nửa số tỉnh có Chỉ số SIPAS thấp hơn Chỉ số SIPAS chung của cả nước (80,90%).
ảnh: Kết quả Chỉ số SIPAS 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
|
Kết quả Chỉ số SIPAS 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Như vậy, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã đáp ứng được mục tiêu đề ra của Chính phủ, điều đó thể hiện nỗ lực cải cách hành chính của tất cả các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, với sự chênh lệch tương đối cao giữa tỉnh đạt Chỉ số hài lòng cao nhất và thấp nhất (trong khoảng từ 28% đến 55%) và giá trị trung vị nêu trên cho thấy nhiều địa phương cần phải nỗ lực, đẩy mạnh cải cách hơn trong thời gian tới mới đảm bảo đạt mục tiêu cải cách của Chính phủ.
Các Chỉ số SIPAS 2017 về nhận định, mức độ hài lòng, sự mong đợi của người dân, tổ chức là những thông tin rất quan trọng, cần thiết thu thập được qua khảo sát, giúp các địa phương có thể đánh giá thực trạng việc cung ứng dịch vụ hành chính công của mình, thực hiện các phép so sánh giữa các yếu tố của cùng một dịch vụ; so sánh cùng một dịch vụ giữa các cơ quan, các cấp, các lĩnh vực, các địa phương…, từ đó giúp các cơ quan, các địa phương xác định được các hạn chế còn tồn tại trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ quan, địa phương để tìm giải pháp khắc phục phù hợp.
Chẳng hạn, việc 5,17% số người được hỏi trong cả nước tiếp cận thông tin về dịch vụ qua mạng internet cho thấy, các chính quyền địa phương cần phải xem xét, đánh giá kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian qua ở địa phương. Việc 67,23% số người bị trễ hẹn trả kết quả dịch vụ trong cả nước phản ánh cơ quan không thông báo trước cho họ về việc trễ hẹn và 88,91% không nhận được thư xin lỗi của cơ quan hành chính cho thấy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về việc cơ quan phải thông báo, xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hoặc, bên cạnh có tỉnh đạt chỉ số hài lòng ở mức trên 90% thì cũng có tỉnh chỉ đạt mức dưới 50% cho thấy, tỉnh đạt chỉ số thấp cần nỗ lực mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trong thời gian tới để bắt kịp với các tỉnh khác và để đảm bảo đạt chỉ số hài lòng tối thiểu 80% vào năm 2020./.
|