Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Dự Lễ kỷ niệm có: đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố trực thuộc Trung ương cùng 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến qua các thời kỳ trên các lĩnh vực từ mọi miền Tổ quốc. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định, 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời kêu gọi được truyền đi như một lời hịch thúc giục mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm
Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, trước nguy cơ của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thế nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động thi đua ái quốc nhằm làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân. Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì đều phải thi đua. Thi đua ái quốc sẽ lan rộng khắp mọi mặt đời sống Nhân dân, dẹp tan khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của Nhân dân và quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước như phong trào “Tuần lễ vàng”, “Vụ chiêm thắng lợi”, “Vụ mùa chủ lực”, “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Thanh toán mù chữ”, “Bình dân học vụ”...
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Hàng chục vạn chiến sĩ, dân công từ khắp các nẻo đường Tổ quốc đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu. Đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi; ngành giáo dục tham gia xóa nạn mù chữ; ngành quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến đấu; chiến sĩ thi đua giết giặc lập công...
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, dựa trên quan điểm lấy dân làm gốc, đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, các phong trào thi đua nở rộ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong phát triển kinh tế, tiêu biểu là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã góp phần cùng đất nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Từ đây, nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước. Trải qua 70 năm, Đảng và Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân chương, huy chương, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và nhận thức được thi đua phải gắn chặt với công tác khen thưởng, nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị và ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày Thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, 70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung, hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức. Thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người "càng khó khăn, càng phải thi đua", thi đua - khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, từ đó đòi hỏi chúng ta càng nỗ lực hơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp mỗi chúng ta ôn lại truyền thống, nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Người, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng cùng đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã chứng kiến nhiều việc làm, hành động cao đẹp của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến trong nhiều lĩnh vực qua những thước phim đầy chân thực và cảm động cũng như các câu chuyện cụ thể, sinh động như: câu chuyện của phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, người có gần 100 lần xuất kích trên chiếc máy bay Mig 17, bắn rơi 7 máy bay Mỹ; câu chuyện những nữ chiến sĩ trong đội quân tóc dài tại Bến Tre, câu chuyện về những người công nhân ngành than… Các đại biểu cũng được gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, những con người đã vượt qua khó khăn, gian nan để khẳng định sự nỗ lực, sáng tạo miệt mài, âm thầm cống hiến cho cộng đồng, cho sự phát triển của nước nhà. Đó là người phụ nữ dành gần như cả đời cho y học nước nhà như GS. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – “Bà Tiên” mang lại hi vọng, hạnh phúc cho nhiều gia đình hiếm muộn tại Việt Nam với công trình “thụ tinh ống nghiệm” đầu tiên tại Việt Nam. Đó là anh nông dân Phạm Văn Hát mới chỉ học hết lớp 7, chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều người phải nể phục. Đó là người thầy giáo bị ung thư máu Thượng úy Trần Bình Phục, bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau mở lớp học 0 đồng xoá mù chữ cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Đó là những chàng trai sinh viên trường ĐH Lạc Hồng 8 lần vô địch Robocon Việt Nam và 2 lần vô địch Robocon châu Á; sẽ đại diện Việt Nam đi thi Robocon châu Á 2018.
Tại Lễ kỷ niệm, 70 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực đã được biểu dương, tôn vinh và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa chúc mừng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn
tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong thi đua ái quốc
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 10 bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua các cụm, khối thi đua năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 10 bộ, ngành
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 10 tỉnh, thành phố
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của công tác thi đua, khen thưởng là cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội; đồng thời chỉ rõ, 70 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt", v.v... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Trong những năm gần đây, chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Dân vận khéo"; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau",...
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những việc làm cao đẹp của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến đã nhắc nhở mọi người, nhất là các cán bộ, công chức, viên chức phải đề cao trách nhiệm, tận tuỵ trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời dân, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tin tưởng rằng, đồng hành cùng với 700 điển hình tiên tiến trong Lễ kỷ niệm lần này còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài không có điều kiện về dự buổi lễ.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, đánh giá cao và biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. Đồng thời, hoan nghênh, cảm ơn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong những năm qua. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền thiếu đồng bộ, sinh động, thuyết phục, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân. Những hạn chế, khuyết điểm đó cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục. Theo đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng từ Trung ương đến cơ sở, người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức và những cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần đào sâu suy nghĩ, đề cao trách nhiệm, tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một phương thức quản lý của chính quyền và là động lực để xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, đầy triển vọng nhưng cũng có không ít khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong thời gian tới, tôi đề nghị toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra 05 công việc chủ yếu cần tập trung làm tốt. Cụ thể:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân ái, nhân văn, phát triển toàn diện,... Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua.
Hai là, xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, cụ thể cho đất nước, xã hội, con người; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc của nhân dân phải trở thành ý chí, quyết tâm, tình cảm và hành động của tất cả mọi người.
Ba là, trong tổ chức triển khai các phong trào thi đua, cần tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng. Bác Hồ nói: "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác.
Bốn là, tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng trong từng đơn vị, cơ sở. Tấm gương các điển hình tiên tiến phải có sức thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Các cấp, các ngành, cơ quan thông tin, báo chí cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt việc học tập, nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó, phát triển, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua.
Năm là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Trước mắt, tập trung sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế và tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết vận động quần chúng và tổ chức phong trào thi đua, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng phù hợp với thời kỳ mới, góp phần bồi đắp và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
Tin, ảnh: Nguyễn Hương