|
Hội nghị tập huấn công tác tôn giáo toàn quốc năm 2016. Ảnh: btgcp.gov.vn |
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã chỉ rõ: Công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà trực tiếp nhất chính là đội ngũ làm CTTG. Muốn làm tốt CTTG, đội ngũ cán bộ tôn giáo phải hội tụ những phẩm chất cần thiết như bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, khả năng tập hợp, vận động quần chúng cao, am hiểu về tôn giáo. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm CTTG được bổ sung, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, gần gũi, gắn bó với nhân dân, nói đi đôi với làm, giản dị, khiêm tốn, học hỏi quần chúng. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm CTTG cũng luôn được quan tâm, thể hiện cụ thể trong “Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo” giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 83/2007/QĐ-TTg.
Song, dù đã đạt được nhiều thành tích, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong CTTG, nhưng nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Thực tế những năm gần đây, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, kích động đồng bào tôn giáo gây rối, chống đối chính quyền địa phương, xuất hiện một số “điểm nóng” làm cho tình hình tôn giáo trở nên phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào tôn giáo chưa làm được nhiều, có nơi thụ động, buông lỏng quản lý; xử lý các vấn đề nảy sinh có nơi còn lúng túng bị động, thiếu nhất quán, để kéo dài. Chưa huy động và phát huy tốt vai trò của đội ngũ làm CTTG tại địa phương cũng như vai trò của các chức sắc nên công tác vận động mới đạt mức độ khiêm tốn. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ: “Nội dung phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính… ”(1). Vì vậy, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm CTTG theo mục tiêu chung thì mỗi cán bộ làm CTTG cần chú ý rèn luyện để hình thành và phát triển những phẩm chất cần thiết, đặc biệt cần chú ý rèn luyện một số phẩm chất nền tảng như:
Một là, thường xuyên nâng cao uy tín của người làm công tác tôn giáo.
Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là phẩm chất hàng đầu của người làm CTTG. Bởi vì, để được quần chúng hiểu, tin tưởng và làm theo thì nhất định đội ngũ cán bộ làm CTTG phải có uy tín, đó là những phẩm chất, năng lực có tác dụng thuyết phục, cảm hóa, thu hút người khác. Phẩm chất này đòi hỏi đội ngũ làm CTTG phải nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng như Bác Hồ đã từng nói: “Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm vững hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm sao cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ…”(2). Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm CTTG ở các địa phương, bởi đây là những người trực tiếp thực thi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, thường xuyên giao tiếp với các chức sắc, chức việc và quần chúng tín đồ ở cơ sở, vì thế nếu họ không có đủ uy tín hoặc mất uy tín thì sẽ ảnh hưởng đến công tác vận động quần chúng. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo tại các địa phương. Hiện nay trong nhận thức cũng như thực tiễn, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thường xuyên coi trọng việc phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo nên chất lượng công tác dân vận ở vùng đồng bào có đạo còn có mặt hạn chế. Hơn nữa, cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là ở cấp xã, cấp huyện hiện nay còn thiếu và chưa chuyên sâu, chủ yếu được tập huấn ngắn ngày, chưa được đào tạo bài bản nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp không ít khó khăn; kinh nghiệm trong công tác, đặc biệt kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo phát sinh ở cơ sở chưa nhiều nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương khi thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào có đạo cần coi trọng việc phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của các chức sắc tôn giáo có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trong đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng… Kiên quyết không bố trí những người không đủ năng lực, trình độ và không có uy tín làm CTTG. Đội ngũ cán bộ làm CTTG phải thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” thì mới tiến hành vận động quần chúng có hiệu quả.
Hai là, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo phải giỏi thuyết phục.
Trong quá trình tiến hành vận động quần chúng nhân dân nhất thiết mỗi cán bộ phải giỏi thuyết phục, đó là sự tác động trực tiếp vào ý thức và hành vi của quần chúng bằng những lời nói và việc làm sinh động, bằng các sự kiện thực tế, khiến mọi người hiểu rõ chân lý, tin ở chân lý và quyết tâm hành động theo chân lý. Cán bộ làm CTTG phải khéo trong tiến hành giải thích, chứng minh bằng những luận điểm khoa học, phải làm cho quần chúng hiểu rõ bản chất vấn đề, nhất là về quyền lợi và trách nhiệm công dân. Phải bằng những luận cứ, luận chứng khoa học, bằng những dữ liệu, sự kiện, tài liệu để minh chứng cho vấn đề muốn truyền đạt là đúng đắn, có cơ sở. Bên cạnh đó, phải bằng những lập luận khoa học để bác bỏ những nhận thức, quan điểm, hành vi sai trái; hình thành và củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng ở các giáo dân. Ở kỹ năng này, cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động. Tránh hiện tượng: “chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn” hay trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng. Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng, chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”(3). Thực tế, khi tiến hành công tác vận động quần chúng ở đồng bào có đạo nhất thiết phải xâm nhập vào đời sống của quần chúng nhân dân, phải hiểu được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của từng địa phương mới có thể thuyết phục hiệu quả. Muốn vậy, những người làm CTTG phải hiểu rõ đặc điểm, tình hình tôn giáo trên địa bàn nói chung và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng nước ta, nắm vững tình hình đời sống vật chất, tinh thần và đặc điểm, tập quán sinh hoạt của các tôn giáo; phân biệt các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh với thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng. Đặc biệt, làm rõ âm mưu, thủ đoạn lôi kéo mua chuộc, kích động các chức sắc và đồng bào giáo dân gây rối, chống chính quyền. Trên cơ sở đó, xây dựng cho mọi người tinh thần cảnh giác cách mạng, phát hiện đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chủ động ngăn ngừa có hiệu quả các biểu hiện mơ hồ mất cảnh giác trong quần chúng nhân dân.
Ba là, có kỹ năng tuyên truyền khéo léo và hiệu quả.
Muốn tiến hành CTTG hiệu quả nhất thiết phải khéo tuyên truyền. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của người cán bộ làm CTTG, là vấn đề cơ bản nhất, chi phối trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi của các tổ chức, các lực lượng đối với CTTG, nhất là đồng bào tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, biên giới, hải đảo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”(4). Người yêu cầu mỗi cán bộ phải thực sự hiểu dân: “Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”(5). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ tôn giáo cần nắm vững và phân loại đối tượng, phải rèn luyện ngôn ngữ phù hợp với địa phương, vùng miền, dân tộc mới có thể vận đồng quần chúng có hiệu quả. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(6) và “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”(7). Do đó, mỗi cán bộ làm CTTG phải không ngừng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phải nói được và làm được, vì: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(8). Những nội dung cần tập trung tuyên truyền sâu rộng là những nội dung cơ bản về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước như Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Quyết định số 1119/QĐ-BNV ngày 10/10/2013 của Bộ Nội vụ về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo...
CTTG phải vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, mỗi người làm CTTG phải thực sự có những phẩm chất cần thiết, nhất là uy tín để thu hút quần chúng, đồng thời phải không ngừng hoàn thiện các kỹ năng, phải giỏi thuyết phục, khéo léo khi tuyên truyền, vận động, biết vận dụng trong từng hoàn cảnh, đối tượng con người cụ thể. Quá trình này phải được bồi dưỡng, tu dưỡng rèn luyện và qua đó trưởng thành trong hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, xây dựng các tôn giáo phát triển tích cực, luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc.
ThS. Nguyễn Văn Lành - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
---------------------------------
Ghi chú:
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 175.
(2) Tài liệu: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”- Ban Tuyên giáo Trung ương, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 17-18.
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.89.
(4), (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.162; tr.163; tr.296; tr.289; tr.163.
|