Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thăng Bình: Bước đầu thực hiện chuyển đổi số

Người đăng: Admin Nội vụ Ngày đăng: 14:19 | 11/01/2022 Lượt xem: 866

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để hướng đến xây dựng một xã hội thông minh. Trong thời gian vừa qua, Thăng Bình đã đầu tư và tập trung kêu gọi các nguồn lực để thực hiện cho mục tiêu này. Và kết quả ban đầu mang lại khá khả quan với tỷ lệ phủ sóng 3G, đường truyền internet băng thông rộng đạt 100%, hay việc áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc Q.Oficce đạt 98%....Tuy nhiên, chuyển đổi số là một khái niệm mới với nhiều phần việc, nên cần có một nền tảng cơ bản để thực hiện.


Khai trương hệ thống Hội nghị Truyền hình trực tuyến từ huyện đến xã, thị trấn năm 2021

Được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới vào năm 2020, Bình Đào đã tập trung thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2023, trong đó phân công cán bộ công chức phụ trách các nội dung trong bộ tiêu chí về xã thông minh, theo dõi, triển khai kế hoạch đã đề ra. Xác định việc xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số, địa phương này đã phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng băng thông rộng, phủ sóng Wifi đến nhà văn hóa 4/4 thôn trên địa bàn. Ngoài ra, trên lĩnh vực giáo dục và y tế, đã triển khai các phần mềm kết nối giữa nhà trường với phụ huynh học sinh và các phần mềm nhập dữ liệu, giúp giảm tải cho ngành y tế. Ông Mai Văn Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Đào cho hay, hiện địa phương đang tiếp tục triển khai kế hoạch kết nối với tất cả các hộ dân bằng hệ thống mạng zalo do xã quản lý, để gởi các văn bản có liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ chung, đặc biệt là chuyển đổi số. “ Địa phương đã lên kế hoạch đi khảo sát việc sử dụng mạng internet tại từng hộ gia đình, bao nhiêu hộ dùng các thiết bị điện tử thông minh, phấn đấu đến cuối năm nay, có khoảng 60% dân số được tiếp nhận thông tin qua các thiết bị thông minh”- ông Ánh nói.


Hệ thống truyền thanh IP giúp các địa phương triển khai kịp thời mọi chủ trương, chính sách đến với người dân

Là một trong hai địa phương xây dựng mô hình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thăng Bình, xã Bình Chánh đã thực tái cấu trúc hạ tầng số như truyền dẫn internet, mạng, an toàn thông tin…, chỉnh sửa website, tạo kênh kết nối cho lãnh đạo cấp xã, đào tạo nâng cao trình độ sử dụng CNTT cho cán bộ, công chức cấp xã, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, tái cấu trúc hạ tầng cho chính quyền thông minh. Lắp đặt POS, QR Code tại bộ phận 1 cửa của xã, tạo điều kiện cho người dân thanh toán phí, lệ phí các thủ tục hành chính phát sinh. Đồng thời tiến hành lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông, gọi là truyền thanh IP để kịp thời phổ biến mọi chủ trương, chính sách đến với mọi người dân. Bà Trần Thị Mến, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, nếu chúng ta thực hiện tốt việc chuyển đổi số, thì việc giải quyết các thủ tục hành chính của công dân sẽ được nhanh chóng, thuận tiện, việc giải quyết các hồ sơ liên thông cũng sẽ dễ dàng hơn. “ Vấn đề nằm ở chổ hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn vẫn còn lõm, cơ sở vật chất đầu tư đã lâu nên khá cũ kỹ, vận hành chưa linh hoạt. Riêng đối với hệ thống camera an ninh để giám sát các hoạt động thì lại cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương lại có hạn”- bà Mến nói thêm.

     Điều dễ nhận thấy trong quá trình điều hành, xử lý công việc ở các địa phương trên địa bàn Thăng Bình hiện nay khi áp dụng chính quyền số, đó là tất cả các khâu được thực hiện nhanh, gọn, chính xác qua hệ thống Q Office, bao gồm việc tiếp nhận văn bản đến, xử lý văn bản, ký số điện tử và ban hành văn bản đi. Riêng đối với hệ thống thông tin điện tử một cửa, việc triển khai tiếp nhận hồ sơ, chuyển xử lý và trả hồ sơ công dân, 100% được thực hiện qua phần mềm. Trong năm 2021 vừa qua, Thăng Bình đã triển khai 22 hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho 22 địa phương.

     Ông Võ Ngọc Đào - Chuyên viên Phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết, có thể nói, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc trong thời đại công nghiệp 4.0. Ở khía cạnh nào đó, chuyển đổi số đã giúp cho địa phương giải quyết nhanh thủ tục hành chính, đơn thư của người dân, không chỉ tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận các phần mềm, thao tác nghiệp vụ nhanh chóng, hỗ trợ đắc lực cho công việc, mà còn tạo cơ chế giám sát tốt hơn. “Trong năm 2022 này, phòng sẽ tiến hành đánh giá những mặt đã thực hiện ở hai địa phương Bình Chánh và Bình Đào và tiếp tục tham mưu cho UBND huyện phân bổ kinh phí để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin cho các địa phương còn lại, tiếp tục tuyên truyền và tập huấn cho người dân về chuyển đổi số”- Ông Đào nói.

     Trong năm 2022 này, Thăng Bình đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, nhất là tập trung triển khai xây dựng Trung tâm điều hành thông tin IOC tại các xã, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát, đèn năng lượng mặt trời tại các vị trí trọng điểm về giao thông. Như vậy có thể thấy, việc thực hiện chuyển đổi số là việc làm khó với sự tham gia của nhiều ngành chức năng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện dữ liệu số, nâng cao nhận thức của người dân. Vì vậy, rất cần sự chung tay của cộng đồng các doanh nghiệp viễn thông, sự nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin trong những hoạt động của chính quyền các địa phương, và đặc biệt, là sự đồng hành của mọi người dân trong địa bàn.





Tác giả: Công Phát

Nguồn tin: Cổng Thông tin huyện Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Chỉ đạo điều hành

Thông tin người phát ngôn

Họ tên:

Chức vụ:

Số điện thoại:

Email: 

Chuyên mục khác

Liên kết website