Đây là một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng chiều 25/6.
"Không chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ
Theo Tổng Bí thư, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến rõ nét; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt những kết quả tích cực.
Cụ thể là, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều đổi mới, nhất quán, rõ ràng, chỉ đạo giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; "không chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ chính xác hơn; việc luân chuyển cán bộ thực hiện bài bản hơn.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp đã quan tâm hơn tới việc tiếp nhận, tổ chức đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu…
Tổng Bí thư cho rằng, nguyên nhân cơ bản của những hạn chế là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng…
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
Kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”
Tổng Bí thư nêu rõ: Mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo.
Xử lý nghiêm kỷ luật của Đảng, đồng thời kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không "rút kinh nghiệm" chung chung.
Giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ
Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII./.
Theo http://baochinhphu.vn/